Categories: Blog

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh

Tâm thần phân liệt là một rối loạn tâm thần khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người trên thế giới. Bệnh thường gặp ở nam giới từ 15 – 25 tuổi và 25 – 35 tuổi đối với phụ nữ [1]. Ngoài ra, người tâm thần phân liệt có nguy cơ tử vong sớm, cao gấp 2 – 3 lần so với người bình thường.

Tâm thần phân liệt là bệnh gì?

Tâm thần phân liệt là tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần người bệnh. Tình trạng này làm gián đoạn quá trình hoạt động của não, can thiệp vào suy nghĩ, trí nhớ, giác quan và hành vi, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Người bệnh tâm thần phân liệt phải điều trị suốt đời. Can thiệp sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng trước khi biến chứng nghiêm trọng phát triển. Tâm thần phân liệt không được điều trị thường làm gián đoạn các mối quan hệ xã hội. Ngoài ra, tình trạng này cũng khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc sắp xếp suy nghĩ của mình, từ đó hành xử theo những cách làm họ có nguy cơ bị thương hoặc mắc các bệnh khác.

Các loại tâm thần phân liệt

Bệnh tâm thần phân liệt gồm các dạng sau [2]:

  • Rối loạn nhân cách phân liệt: tình trạng sức khỏe tâm thần được biểu hiện bằng cảm giác khó chịu với các mối quan hệ thân thiết và những hoạt động tương tác xã hội. Người mắc rối loạn nhân cách phân liệt có quan điểm lệch lạc về thực tế, mê tín và hành vi bất thường.
  • Rối loạn hoang tưởng: là một loại rối loạn tâm thần. Đặc trưng bởi sự xuất hiện của 1 hoặc nhiều ảo tưởng.
  • Rối loạn tâm thần ngắn hạn.
  • Rối loạn tâm thần dạng phân liệt: tương tự như tâm thần phân liệt, tình trạng này cũng là chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến cách hành động, suy nghĩ, trao đổi giữa người bệnh với người khác. Tuy nhiên, không giống như tâm thần phân liệt, tình trạng này chỉ kéo dài từ 1 – 6 tháng.
  • Rối loạn phổ tâm thần phân liệt khác.

Triệu chứng tâm thần phân liệt

Người bị tâm thần phân liệt không thể nhận biết bản thân có các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, những người xung quanh có thể nhận ra những dấu hiệu bất thường của họ. Dưới đây là các triệu chứng chính của bệnh tâm thần phân liệt.

1. Ảo tưởng

Ảo tưởng là những ý nghĩ sai lầm không dựa trên thực tế. Ví dụ, người bệnh cho rằng mình đang bị tổn hại hoặc quấy rối. Hay một số cử chỉ hoặc nhận xét đang nhắm vào họ. Họ cũng nghĩ rằng mình có khả năng hoặc đặc điểm nổi trội, thậm chí có người khác đang để ý. Người hoang tưởng luôn suy nghĩ rằng sẽ có thảm họa lớn sắp xảy ra. Ảo tưởng xảy ra ở hầu hết người bị tâm thần phân liệt.

2. Ảo giác

Ảo giác thường liên quan đến việc nhìn hoặc nghe thấy những thứ không tồn tại. Tuy nhiên, với người tâm thần phân liệt, ảo giác có thể chi phối và tác động đến họ như một điều bình thường. Ảo giác có thể xảy ra ở bất kỳ giác quan nào.

3. Rối loạn tư duy và lời nói

Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc sắp xếp suy nghĩ của mình khi nói chuyện với người khác. Điều này cũng tương tự như việc người bệnh gặp khó khăn trong việc tập trung vào một chủ đề hoặc suy nghĩ lộn xộn, đến mức mọi người không thể hiểu được họ.

4. Rối loạn vận động

Rối loạn vận động ở người bệnh tâm thần phân liệt là những cử động ngốc nghếch như hành vi của trẻ con. Ngoài ra, rối loạn có thể biểu hiện dưới dạng lặp đi lặp lại những hành động không chủ đích. Khi hành vi ở mức nghiêm trọng, nó có thể gây ảnh hưởng trong việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như chứng căng trương lực. Triệu chứng này biểu hiện như thể người bệnh đang trong tình trạng choáng váng, ít cử động hoặc phản ứng với môi trường xung quanh.

5. Triệu chứng tiêu cực

Triệu chứng tiêu cực đề cập đến việc người bệnh giảm hoặc thiếu khả năng hoạt động bình thường. Ví dụ, người bệnh có thể bỏ bê việc vệ sinh cá nhân hoặc không biểu lộ cảm xúc (không giao tiếp bằng mắt, thay đổi nét mặt hoặc nói giọng đều đều). Ngoài ra, người bệnh có thể không hứng thú với các hoạt động hàng ngày, xa rời xã hội hoặc thiếu khả năng trải nghiệm niềm vui.

6. Ý nghĩ và hành vi tự sát

Khoảng 5% – 6% số người mắc tâm thần phân liệt có ý nghĩ tự sát. Khoảng 20% người bệnh cố gắng thực hiện việc này. Tự tử là nguyên nhân chính gây tử vong sớm ở người trẻ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến bệnh tâm thần phân liệt làm giảm tuổi thọ trung bình xuống 10 năm [3].

Nguy cơ tự tử tăng lên ở người mắc bệnh tâm thần phân liệt, nhất là khi họ cũng mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Ngoài ra, nguy cơ cũng tăng lên ở người có triệu chứng trầm cảm hoặc vừa trải qua cơn loạn thần.

Nguyên nhân bệnh tâm thần phân liệt

Không có nguyên nhân duy nhất nào gây tâm thần phân liệt. Bệnh xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Có 3 lý do chính gồm:

  • Sự mất cân bằng trong các tín hiệu hóa học mà não sử dụng để liên lạc giữa các tế bào.
  • Vấn đề phát triển trí não trước khi sinh.
  • Mất kết nối giữa các khu vực khác nhau trong não người bệnh.

Yếu tố rủi ro mắc rối loạn tâm thần

Dù không có bất kỳ nguyên nhân tâm thần phân liệt nào được xác nhận gây bệnh. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này, gồm:

  • Tiền sử gia đình.
  • Biến chứng khi mang thai và sinh nở: thai nhi phát triển trong bụng mẹ có vai trò quan trọng trong việc mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, suy dinh dưỡng hoặc thiếu vitamin D khi mang thai. Nguy cơ cũng tăng lên khi bé thiếu cân khi sinh hoặc có biến chứng trong khi sinh.
  • Thuốc hướng thần: tâm thần phân liệt có liên quan đến việc sử dụng một số loại ma túy tiêu khiển, nhất là dùng với số lượng lớn. Mối liên hệ giữa việc sử dụng nhiều cần sa ở người trẻ cũng được xem là một yếu tố nguy cơ.
  • Môi trường: nhiễm trùng và bệnh tự miễn dịch cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc tâm thần phân liệt. Căng thẳng cực độ trong thời gian dài cũng có nguy cơ mắc bệnh.
  • Cấu trúc và chức năng của não.

Biến chứng rối loạn tâm thần phân liệt

Nếu không điều trị, bệnh tâm thần phân liệt có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi hoạt động của cuộc sống. Các biến chứng do bệnh tâm thần phân liệt gây ra gồm:

  • Tự tử: cố gắng và có ý nghĩ tự tử.
  • Rối loạn lo âu và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
  • Trầm cảm.
  • Lạm dụng rượu hoặc các loại thuốc khác, kể cả nicotine.
  • Không thể làm việc, học tập.
  • Vấn đề tài chính và tình trạng vô gia cư.
  • Cách ly xã hội.
  • Các vấn đề về sức khỏe.
  • Trở thành nạn nhân, chẳng hạn bị bắt nạt.
  • Có hành vi hung hăng nhưng không phổ biến.

Chẩn đoán chứng tâm thần phân liệt thế nào?

Bác sĩ chẩn đoán tâm thần phân liệt hoặc các rối loạn liên quan đến bệnh này dựa trên những câu hỏi, triệu chứng bạn mô tả hoặc thông qua quan sát hành động. Bác sĩ cũng sẽ đặt câu hỏi để loại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn khác gây triệu chứng. Sau đó, so sánh với các tiêu chí cần thiết để chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt [4].

Theo tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5) do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản, chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt gồm những yếu tố sau:

  • Ít nhất 2 trong số 5 triệu chứng chính.
  • Bạn đã xuất hiện các triệu chứng trong ít nhất 1 tháng.
  • Các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng làm việc hoặc các mối quan hệ của bạn.

Không có bất kỳ xét nghiệm chẩn đoán nào cho bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để loại trừ những tình trạng khác, trước khi chẩn đoán bệnh tâm thần phân liệt. Các xét nghiệm gồm:

  • Kiểm tra hình ảnh: bác sĩ sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), các xét nghiệm hình ảnh khác để loại trừ những vấn đề như đột quỵ, chấn thương não, khối u.
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu và dịch tủy: được thực hiện để loại trừ những rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, rối loạn nội tiết, thần kinh hoặc bệnh tiềm ẩn.
  • Điện não đồ (EEG): giúp phát hiện và ghi lại hoạt động trong não nhằm loại trừ các tình trạng động kinh.

Tâm thần phân liệt có chữa được không?

Bệnh tâm thần phân liệt không thể chữa khỏi nhưng thường vẫn điều trị được. Ở số ít trường hợp, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn nhưng rất hiếm. Bởi không thể biết bệnh có tái lại hay không, do đó, các bác sĩ thường coi những người khỏi bệnh thuộc tình trạng thuyên giảm.

Cách điều trị bệnh tâm thần phân liệt

Bệnh tâm thần phân liệt cần điều trị suốt đời, ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý có thể giúp kiểm soát tình trạng này. Những trường hợp có thể cần phải nhập viện.

1. Thuốc chống loạn thần

Thuốc chống loạn thần là thuốc được kê toa phổ biến trong điều trị tâm thần phân liệt. Thuốc giúp kiểm soát triệu chứng bằng cách tác động đến chất dẫn truyền thần kinh dopamine trong não.

Mục tiêu của điều trị bệnh bằng thuốc chống loạn thần là kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng ở liều thấp nhất. Bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc với liều lượng khác nhau theo thời gian để đạt kết quả điều trị mong muốn. Các loại thuốc khác cũng có thể hữu ích, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu. Người bệnh có thể mất vài tuần để thấy các triệu chứng cải thiện.

Vì thuốc điều trị tâm thần phân liệt có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Lưu ý: Clozapine là loại thuốc duy nhất được FDA phê chuẩn để điều trị tâm thần phân liệt khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để giảm hành vi tự tử ở người bệnh tâm thần phân liệt [5].

2. Tâm lý trị liệu

Các phương pháp tâm lý trị liệu bằng trò chuyện như liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng của mình. Ngoài ra, liệu pháp này cũng có thể giúp giải quyết các vấn đề thứ phát bên cạnh bệnh tâm thần phân liệt, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm hoặc sử dụng chất gây nghiện.

2.1 Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)

Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) là phương pháp trị liệu tâm lý chủ yếu thông qua trò chuyện. Liệu pháp này dùng trong điều trị và quản lý nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần. Khi kết hợp với thuốc, liệu pháp hành vi nhận thức có hiệu quả trong điều trị rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt.

2.2 Chăm sóc đặc biệt (CSC)

Chăm sóc đặc biệt là phương pháp điều trị bệnh tâm thần phân liệt khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Phương pháp này thường được kết hợp với trị liệu tâm lý và các can thiệp giáo dục.

2.3 Điều trị tâm lý xã hội

Mặc dù thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, nhưng các phương pháp điều trị tâm lý xã hội khác nhau có thể giúp giải quyết các vấn đề về hành vi, tâm lý, xã hội và nghề nghiệp đi kèm với căn bệnh này.

Thông qua trị liệu, bệnh nhân cũng có thể học cách kiểm soát các triệu chứng của mình, xác định các dấu hiệu cảnh báo sớm về việc tái phát và đưa ra kế hoạch phòng ngừa tái phát. Các liệu pháp tâm lý xã hội bao gồm: phục hồi chức năng, khắc phục nhận thức, trị liệu tâm lý cá nhân.

2.4 Trị liệu gia đình

Phương pháp giúp hỗ trợ, cung cấp thông tin, nhận thức cho các gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần phân liệt.

3. Liệu pháp sốc điện (ECT)

Với người không đáp ứng thuốc, liệu pháp sốc điện (ECT) cũng là một lựa chọn điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Kỹ thuật này giúp kích thích não truyền những dòng điện nhỏ nhằm làm dịu các triệu chứng.

4. Nhập viện

Người bị tâm thần phân liệt có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, người có triệu chứng nặng, làm hại bản thân hoặc người khác, không thể chăm sóc bản thân khi ở nhà được khuyến cáo nhập viện điều trị.

Phòng ngừa rối loạn tâm thần phân liệt

Không thể ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, có thể đối mặt với bệnh bằng các biện pháp như:

  • Tìm hiểu về bệnh tâm thần phân liệt: cung cấp những thông tin về chứng rối loạn này có thể giúp người tâm thần phân liệt hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ kế hoạch điều trị. Ngoài ra, điều này cũng có thể giúp bạn bè và gia đình hiểu được tình trạng bệnh và thông cảm hơn với người mắc tâm thần phân liệt.
  • Quản lý tâm thần phân liệt bằng cách ghi nhớ các mục tiêu điều trị nhằm giúp người bệnh kiểm soát hành vi của bản thân.
  • Không sử dụng rượu và ma túy: sử dụng rượu, nicotin hoặc thuốc kích thích có thể gây khó khăn cho việc điều trị bệnh tâm thần phân liệt.
  • Học cách thư giãn và quản lý căng thẳng: thiền, yoga hoặc thái cực quyền.
  • Tham gia các nhóm hỗ trợ.

Trường hợp bản thân mắc bệnh tâm thần phân liệt, bạn nên:

  • Uống thuốc theo hướng dẫn. Không tự ý ngưng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Tái khám định kỳ để theo dõi mức độ cải thiện bệnh, tình trạng sức khỏe, tác dụng phụ khi dùng thuốc.
  • Đừng bỏ qua các triệu chứng, nên cung cấp cho bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.
  • Không sử dụng rượu và chất kích thích vì có thể làm cho các dấu hiệu tâm thần phân liệt trở nên nghiêm trọng.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè và các hội nhóm.

Các câu hỏi liên quan tâm thần phân liệt

1. Tâm thần phân liệt có nguy hiểm không?

Hành vi bạo lực ở người bệnh tâm thần phân liệt hiếm khi xảy ra. Hầu hết, người bệnh không sử dụng bạo lực hay thể hiện bất kỳ hành vi nguy hiểm nào. Tuy nhiên, một số trường hợp, người bệnh dùng bạo lực khi họ mắc phải các triệu chứng rối loạn tâm thần cấp tính do tác động của ảo giác và ảo tưởng lên suy nghĩ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trong những trường hợp nguy hiểm, ảo tưởng thường có tác động lớn trong việc dẫn đến hành vi nguy hiểm hơn là ảo giác [6].

2. Khám tâm thần phân liệt ở đâu? Bệnh viện nào?

Tâm thần phân liệt là bệnh mạn tính, dễ tái phát và cần chăm sóc lâu dài. Không có phương pháp điều trị hoàn toàn cho tình trạng này. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị sớm có thể kiểm soát các triệu chứng và ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Khoa Khám bệnh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, tận tình chu đáo, đảm bảo công tác khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời và tư vấn chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người bệnh. Đội ngũ nhân viên chăm sóc khách hàng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, chỉ dẫn, giới thiệu, cung cấp thông tin tư vấn về khám chữa bệnh, chính sách với người bệnh, người nhà trong suốt quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Bài viết đã cung cấp những thông tin về bệnh tâm thần phân liệt là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách chữa trị. Có thể thấy, tình trạng này không hiếm gặp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh và những người xung quanh. Do đó, khi được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt, người bệnh nên tuân thủ điều trị để ngăn tái phát và nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, mọi người có thể dựa trên những dấu hiệu kể trên để kịp thời phát hiện người thân mắc bệnh, từ đó đưa họ đến khám và điều trị sớm.

tasteofthemoon

Share
Published by
tasteofthemoon

Recent Posts

Sự nguy hiểm của ‘intrusive thoughts’ đang lan truyền trên TikTokSự nguy hiểm của ‘intrusive thoughts’ đang lan truyền trên TikTok

Sự nguy hiểm của ‘intrusive thoughts’ đang lan truyền trên TikTok

Intrusive Thoughts: Hiểu Rõ và Tránh Lầm Tưởng Hiểu sai về intrusive thoughts có thể…

10 phút ago

Trái Đất Tròn Không Gì Là Không Thể – Trung Quân – NhacCuaTui

Trái Đất Tròn Không Gì Là Không Thể - Một Bài Hát Tâm Hồn của…

18 phút ago

Đi Giữa Trời Rực Rỡ (Original Soundtrack from “Đi Giữa Trời Rực Rỡ”) – Ngô Lan Hương, SK Pictures – NhacCuaTui

Đi Giữa Trời Rực Rỡ: Một Ca Khúc Thanh Xuân Vô Tận Đi Giữa Trời…

22 phút ago

Lunar Phases and Eclipses – NASA Science

Chúng ta luôn thấy cùng một mặt của Mặt Trăng vì khi Mặt Trăng, vệ…

41 phút ago

Lucky Draw là gì? TOP phần mền lucky draw miễn phí, hiệu quả nhất

Lucky Draw Là Gì? Nếu bạn muốn tăng doanh số bán hàng, thu hút khách…

53 phút ago

LSS Là Phí Gì? Phụ Phí LSS Bên Nào Chịu?

Phí LSS là gì? Phí LSS, hay Low Sulphur Surcharge, là phụ phí giảm thải…

1 giờ ago