“Fast fashion” – tác hại tới môi trường và nền kinh tế

“Fast fashion” còn được gọi là thời trang nhanh, thuật ngữ chỉ những sản phẩm thời trang được sản xuất với tốc độ nhanh chóng để tiếp cận tới người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là “Fast fashion” có tốt như chúng ta nghĩ?

Lịch sử hình thành và phát triển

Từ năm 1960 – 1990, ngành thời trang trên thế giới cũng được phân hóa mạnh mẽ theo mức thu nhập. Với những người có điều kiện và đam mê thời trang, họ thường có cơ hội tham dự các buổi trình diễn thời trang hoặc các sự kiện giới thiệu bộ sưu tập mới, thậm chí cả vài tháng trước khi chúng được phát hành tại các cửa hàng. 

Trái lại, với những người tiêu dùng bình dân, họ chỉ mua sắm đồ mới khi có dịp đặc biệt như lễ, cưới hỏi, tết… Bởi với mức thu nhập của mình, việc mua sắm thường xuyên được xem là điều xa xỉ đối với họ.

Trong những thập kỷ này, xu hướng thời trang đã có sự biến đổi mạnh mẽ. Những người trẻ như học sinh, sinh viên sẽ ưa thích những trang phục có giá cả hợp lý và mang tính cá nhân hóa. Giai đoạn này cũng là thời điểm các doanh nghiệp nỗ lực tạo ra những sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. 

Tiếp đến là giai đoạn 1990 – 2000, cụm từ “Fast fashion” bắt đầu nổi lên trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Bởi các doanh nghiệp đã tối ưu lượng hàng hóa và sản xuất ra nhiều hơn, đồng nghĩa với việc sản phẩm được ra đời nhanh chóng với số lượng lớn và giá rẻ. Lượng người mua sắm càng ngày càng tăng do nhu cầu làm đẹp và chạy theo trào lưu mới thay đổi liên tục. Fast fashion đã phát triển trở thành một ngành công nghiệp mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Và mọi người bắt đầu mua sắm quần áo như một phần của việc thư giãn, giải trí của mình. 

Ở Châu Á, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các sàn thương mại online Shopee, tiki, tiktok… sự phổ biến của “Fast fashion” với các mặt hàng phù hợp với xu hướng, giá cả phải chăng khiến cho việc mua sắm của khách trở thành “như cơm bữa”. Các tổ chức kinh doanh cũng nhờ cuộc cách mạng này mà tăng doanh số, lợi nhuận nhanh chóng. Chính vì vậy xuất hiện những sản phẩm kém chất lượng, và người tiêu dùng đôi khi mua rồi bỏ hoặc dùng 1 lần rồi bỏ.

Cuối cùng là giai đoạn từ 2000 tới nay, “Fast fashion” được đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn với sự ra đời của nhiều thương hiệu local brand mang tính chất của “fast fashion”. Người tiêu dùng cũng dễ dàng lựa chọn sản phẩm và thương hiệu yêu thích của mình qua sàn thương mại điện tử thay vì mất thời gian đến cửa hàng. 

Ưu điểm của fast fashion

Sự hấp dẫn của fast fashion là ở tính linh hoạt và thay đổi liên tục. Nếu thời trang truyền thống mang tính tuần hoàn khi các bộ sưu tập thường được công bố theo mùa, kéo dài một thời gian dài trước khi có sự thay đổi. 

Có thể nói “Fast fashion” là loại hình kinh doanh kích thích thế hệ trẻ khởi nghiệp. Mô hình kinh doanh này giúp tăng doanh số nhanh chóng, tiết kiệm được chi phí khi sản xuất hàng loạt. Cung cấp các sản phẩm theo xu hướng thời trang mới, cải tiến sản phẩm liên tục để cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thời trang nhanh đã làm thay đổi hoàn toàn cách người tiêu dùng tiếp cận thời trang khi các phong cách được cập nhật liên tục. Các chuỗi cửa hàng fast fashion không chỉ cập nhật bộ sưu tập hàng tuần mà thậm chí là hàng ngày, hàng giờ. Khách hàng có thể tìm thấy những sản phẩm mới, bắt kịp xu hướng, giá cả phải chăng ngay trong cửa hàng hoặc trên các sàn thương mại của họ. 

Không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp mà “fast fashion” cũng mang lại cho người tiêu dùng những lợi ích đáng kể. Thay vì phải tiết kiệm để được mua quần áo 1 – 2 lần trong năm thì bây giờ có thể thoải mái mua bất kỳ lúc nào. Bởi các sản phẩm này giá cả không quá cao, mức giá trung bình, phù hợp với nhiều mức thu nhập hơn. Họ cũng được tiếp cận với các sản phẩm thời trang mới mà bắt kịp xu hướng thời trang mà không phải trả giá quá cao. Người tiêu dùng có thể tự do thay đổi phong cách mà không lo về vấn đề tài chính quá nhiều.

Tác hại của fast fashion tới môi trường và nền kinh tế

Bên cạnh ưu điểm về tính linh hoạt, tiện lợi, và sự đa dạng khi mua sắm, fast fashion cũng mang đến rất nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và nền kinh tế.

Với tốc độ mua sắm nhiều, nhanh dẫn đến việc mua sắm không cần thiết và khuyến khích lối sống lãng phí. Chính vì vậy, người ta còn gọi fast fashion với một cái tên khác là thời trang dùng một lần. Bời nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên chỉ mặc một hai lần rồi bỏ do lỗi mỗi hoặc thậm chí không mặc đến mà chỉ mua do chạy theo xu hướng. 

Việc dùng một lần các sản phẩm thời trang như vậy có thực sự tốt cho nền kinh tế? Nên mua sản phẩm thời trang nhanh, giá rẻ hay mua những sản phẩm đắt tiền nhưng lại dùng lâu, bền và mãi không lỗi mốt? Mặc dù năng suất sản phẩm tăng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng, nền kinh tế phát triển, nhưng đi cùng với nó là vấn đề xử lý rác thải trong khi sản xuất sản phẩm và sau khi sản phẩm được tiêu thụ. Sản xuất hàng loạt với tốc độ nhanh cũng gây áp lực đối với nhà cung ứng và làm tăng khả năng vi phạm quyền lao động. Các vấn đề về lao động và sở hữu trí tuệ, các thiết kế bị sao chép bất hợp pháp và sản xuất hàng loạt với các thương hiệu “Fast fashion”. 

Hệ quả tiếp theo là tác động tới môi trường. Các thương hiệu như Zara, H&M, Shein đã sản xuất ra khoảng 35 triệu tấn quần áo mỗi năm. Với xu hướng “đến và đi”, hầu hết quần áo sẽ được đưa ra bãi rác, và hơn 40% quần áo là chưa được mặc. 

Những sản phẩm fast fashion hầu hết có chất lượng kém, các nguyên liệu sử dụng lãng phí và gây ô nhiễm, phương pháp sản xuất không bảo vệ môi trường, các sản phẩm không thể tái chế… Điều này dẫn đến việc gia tăng các bãi rác công nghiệp và ô nhiễm môi trường kéo dài. 

Việc ủng hộ hay không ủng hộ “Fast fashion” là một quyết định cá nhân, nhưng hiểu rõ các vấn đề và tác động của nó sẽ giúp chúng ta lựa chọn sản phẩm và có trách nhiệm hơn trong tương lai.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *