Tối ngày 15/01/2024, tại Lễ Phát động Nghiên cứu Khoa học Sinh viên UEH 2024, Đại diện Ban Đề án đã có phần chia sẻ với chủ đề “Từ nghiên cứu đa ngành đến cộng đồng hành động bền vững”, mang đến cho các bạn sinh viên một cách tiếp cận nghiên cứu mới mẻ và thiết thực, đồng thời tạo ra cầu nối để mang các bạn đến gần hơn với phát triển bền vững trong cộng đồng UEH.
Trong bối cảnh thế giới ngày càng đối diện với nhiều thách thức toàn cầu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, kiến thức đa lĩnh vực trở thành yếu tố quan trọng để giải quyết các vấn đề thực tế hiện nay. Nhận thức sâu sắc về sự cần thiết này, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) đang dần chuyển đổi từ nghiên cứu đơn ngành sang nghiên cứu liên ngành và hành động bền vững, chọn hướng tiếp cận mới thông qua mô hình UMS và Living Lab.
Tại phần chia sẻ, TS. Trịnh Tú Anh đã trình bày về Mô hình chiến lược của Đại học UEH Đa ngành và Bền vững. Đây là mô hình có sự liên quan trực tiếp đến 05 trụ cột của Đại học UEH bền vững: (1) Đào tạo: Đào tạo Công dân toàn cầu – Hành động bền vững; (2) Nghiên cứu: Nghiên cứu vì lợi ích cộng đồng; (3) Vận hành: Từ khuôn viên xanh đến trung hoà carbon; (4) Quản trị: Ưu tiên phát triển bền vững; (5) Cộng đồng: Cộng đồng của những người truyền cảm hứng nghệ thuật và dẫn đầu sự thay đổi vì sự phát triển bền vững. Mô hình định hướng phát triển bền vững của UEH một cách toàn diện, trong đó Nghiên cứu là một trụ cột quan trọng, tương tác mạnh mẽ đến các trụ cột còn lại.
Theo đó, Nghiên cứu với định hướng “Vì lợi ích cộng đồng”, được nhấn mạnh bởi cách tiếp cận: kết nối tri thức đa lĩnh vực “đa ngành – liên ngành – xuyên ngành”, kết hợp cộng đồng các bên liên quan có cùng chung sự quan tâm từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Đích đến cuối cùng của hoạt động nghiên cứu là giải quyết các vấn đề đương đại, nảy sinh không ngừng trong quá trình phát triển của toàn cầu.
Nhờ tính mở và liên kết chặt chẽ với cộng đồng, các nghiên cứu đa ngành – liên ngành – xuyên ngành có cơ hội được đưa vào thử nghiệm trong thực tế và trải qua các khâu điều chỉnh, trước khi trở thành những giải pháp hoàn chỉnh, được đưa vào thực tế.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao kết quả nghiên cứu đa ngành vào cuộc sống là một vấn đề quan trọng. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học từ các lĩnh vực khác nhau, cũng như sự tham gia của các đối tượng khác trong xã hội, các cách thức tiếp cận và vận dụng kết quả nghiên cứu liên ngành, bao gồm: nhận biết, giao tiếp/truyền tải, học tập xã hội, tham khảo, trao quyền, ảnh hưởng, xây dựng lòng tin, ứng dụng/nhân rộng, nỗ lực và đánh giá lại. Việc áp dụng các cách thức này sẽ giúp nâng cao hiệu quả tiếp cận và vận dụng kết quả nghiên cứu liên ngành, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách hiệu quả hơn.
Để nghiên cứu vì lợi ích cộng đồng và gắn kết cộng đồng được vận hành hiệu quả, TS. Trịnh Tú Anh đồng thời cũng giới thiệu mô hình Living Lab – một hệ sinh thái đổi mới mở được vận hành với định hướng lấy người sử dụng làm trung tâm, tận dụng tối ưu sự kết nối các bên liên quan, với yếu tố cốt lõi là tích hợp nghiên cứu – giáo dục và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề thực tế từ cuộc sống.
Ví dụ ứng dụng mô hình Living Lab để giải quyết các vấn đề của Đô thị thông minh: mô hình này có thể tạo ra một nền tảng nghiên cứu tích hợp để cùng nhau nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, tạo ra các sản phẩm/dịch vụ/hệ thống thực để giải quyết triệt để từng vấn đề của quá trình đô thị hóa bằng ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại mỗi một địa phương/khu vực cụ thể.
Với tầm nhìn đến năm 2030, Đại học UEH từ giai đoạn “Khuôn viên đại học không rác thải – Zero Waste Campus” trở thành “Khuôn viên đại học xanh – Green Campus” và đóng góp vào phát triển Đại học bền vững, Living Lab UEH Green Campus đã được triển khai trong năm 2023 như một trong các hoạt động chính của dự án “UEH Green Campus”.
Living Lab UEH Green Campus được ra đời như một phòng thí nghiệm sống nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến môi trường tại các khuôn viên của UEH, trong đó kết hợp đào tạo – nghiên cứu – vận hành – quản trị – cộng đồng, hướng đến hình thành một công thức để các đơn vị khác có thể tiếp nhận và triển khai:
- Đào tạo: Đẩy mạnh sử dụng nền tảng giáo dục thông minh như ứng dụng công nghệ giả lập game (gamification), các hoạt động thực tế để giáo dục kiến thức về Phân loại Rác và mô hình 3R và thay đổi hành vi; Đưa các phần kiến thức về nhu cầu, kiểm soát nhu cầu, ý tưởng sáng tạo giải quyết các vấn đề của xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mô hình tài chính bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp, quy trình quản lý doanh nghiệp bền vững…; Đưa vào chuẩn đầu ra, bài tập thực hành của từng môn học, chương trình học; Tích hợp đa ngành – liên ngành, tích hợp giữa các yếu tố kinh tế – kỹ thuật – công nghệ – xã hội để giải quyết triệt để vấn đề rác thải, phát triển bền vững.
- Nghiên cứu: Ươm mầm ý tưởng mới về thu gom, tái chế rác, phát triển kinh tế tuần hoàn, biến rác thành tài nguyên, từ đó tạo các living labs để giải quyết các vấn đề; Nghiên cứu các mô hình giảm nhu cầu sử dụng không cần thiết, mô hình thay đổi nhu cầu tiêu dùng, mô hình tài chính bền vững, phát triển nền tảng giáo dục thông minh.
- Vận hành: Sử dụng mô hình truyền thông đa kênh; Kế hoạch: Bước đầu (2021 – 2022): định hướng giới trẻ: truyền cảm hứng để thay đổi nhận thức, tư duy, hành động – Từ 2022: Sinh viên và các cộng đồng tự xây dựng các chương trình để thực hiện; UEH Go Green Station: Trạm phân loại và trung chuyển rác, biến rác thành tài nguyên.
- Quản trị: Thực hiện quản trị nhà trường không rác thải và bền vững.
- Cộng đồng: Kêu gọi hành động của người học, giảng viên, nhân viên và các đối tác chủ động thực hành không rác tại trường và nơi sinh sống, làm việc thông qua các hoạt động thực tế; Kết nối các bên liên quan: Đơn vị thu gom, xử lý, tái chế rác thải; tổ chức kinh tế tuần hoàn; tổ chức thực hành không rác thải.
Tại Living Lab UEH Green Campus, các vấn đề được quan tâm giải quyết hay các chủ đề nghiên cứu được chú trọng như:
- Behavior Change: Thay đổi hành vi để giải quyết vấn đề rác thải, vấn đề sống xanh, thực hành lối sống 3R (Reduce, Recycle, Reuse), thực hành lối sống giảm thiểu phát thải carbon từ mỗi cá nhân;
- Demand Change: Thay đổi nhu cầu, thực hành tiết giảm nhu cầu (Reduce), tiêu dùng vừa đủ để giải quyết vấn đề giảm thiểu rác thải, giảm phát thải carbon;
- Technical Issue: Phát triển các giải pháp công nghệ xử lý mùi hôi phục vụ công tác quản lý rác thải; các giải pháp cảm biến tiết kiệm điện, nước, giảm phát thải carbon; các thiết bị xử lý hình ảnh hỗ trợ phân loại rác thải, giảm phát thải carbon;
- Circular Economy: Các nghiên cứu, giải pháp, xây dựng chính sách, mô hình biến Rác thải thành tài nguyên có giá trị, tái chế, phát triển kinh tế tuần hoàn;
- Efficient Communication and Education Program: Nghiên cứu các mô hình, sáng kiến truyền thông xã hội, chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hành vi ủng hộ môi trường, sống xanh, giảm thiểu rác thải, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải.
Các bạn sinh viên quan tâm đến đề án Đại học Bền vững cũng như Living Lab UEH Green Campus có thể tìm hiểu thêm thông tin chi tiết qua trang web chính thức của dự án: https://gogreen.ueh.edu.vn/.
Tin, ảnh: Ban Đề án Đại học bền vững, Đoàn – Hội UEH