Vốn nhân lực (tiếng Anh: Human capital) là tổng thể kiến thức, kĩ năng và trình độ chuyên môn mà người lao động tích lũy được. Để ra quyết định đầu tư vốn nhân lực cần phải cân nhắc trên cơ sở phân tích, so sánh chi phí và lợi ích.
Hình minh họa (Nguồn: emmarjobs)
Vốn nhân lực
Khái niệm
Vốn nhân lực trong tiếng Anh gọi là: Human capital.
Vốn nhân lực là tổng thể kiến thức, kĩ năng và trình độ chuyên môn mà người lao động tích lũy được. Nó thể hiện khả năng làm việc với một trình độ nhất định của người lao động.
Với người sử dụng lao động, nó được đánh giá cao khi mức độ đầu tư và phát triển vốn nhân lực gắn liền với khả năng tăng năng suất lao động. Với người lao động, nó rất được coi trọng vì đầu tư cho vốn nhân lực được coi là một phương cách hiệu quả để gia tăng thu nhập trong tương lai.
Cũng như vốn vật chất như máy móc, thiết bị, nhà xưởng…, vốn nhân lực là kết quả của hoạt động đầu tư diễn ra trong quá khứ nhằm mục đích gia tăng thu nhập trong tương lai. Đầu tư cho vốn nhân lực là đầu tư cho tương lai.
Để có được một trình độ học vấn, kiến thức nhất định, để có được một số kĩ năng làm việc nào đó mà xã hội hiện đại đòi hỏi, người ta cần phải đầu tư.
Việc đi học ở các bậc học khác nhau, có thể nhận được các bằng cấp khác nhau, tham gia vào các khóa đào tạo, huấn luyện nghề khác nhau… chính là thể hiện những mức độ đầu tư khác nhau ở những người lao động.
Để học hành và tham gia các khóa đào tạo và huấn luyện khác nhau đó, người ta phải bỏ ra nhiều khoản chi phí:
+ Một phần đó là những chi phí trực tiếp hay chi phí kế toán như tiền học phí , tiền mua sách vở, máy tính…;
+ Một phần khác, đó chính là khoản thu nhập mà người lao động phải hi sinh do không đi thể làm sớm hơn vì lựa chọn con đường học hành thêm.
Những chi phí bỏ ra ấy chỉ có ý nghĩa nếu chúng đem lại cho người lao động một khoản thu nhập cao hơn hay một công việc làm dễ chịu hơn, có giá trị hơn trong tương lai, bù đắp được các chi phí đầu tư.
Quyết định đầu tư vốn nhân lực
Đối với một cá nhân, việc quyết định đi học tiếp ở những bậc học cao hơn khi đến tuổi đi làm là một quyết định đầu tư dài hạn. Để ra quyết định một cách đúng đắn nó cần được cân nhắc trên cơ sở phân tích, so sánh chi phí và lợi ích.
Về nguyên tắc, một quyết định chỉ đáng thực hiện nếu như toàn bộ lợi ích mà nó đem lại ít nhất cũng bù đắp được tất cả các chi phí kinh tế (chứ không phải chi phí kế toán) có liên quan.
Khi đi học, như chúng ta vừa đề cập ở trên, chi phí mà người học phải bỏ ra hoặc phải hi sinh bao gồm hai khoản lớn:
+ Các chi phí trực tiếp mà người học phải chi hoặc đóng góp suốt trong quá trình học;
+ Khoản thu nhập cơ hội đáng ra người học có thể kiếm được (nếu đi làm ngay) giờ đây phải hi sinh do quyết định tiếp tục học hành.
Càng học nhiều, thời gian học tập càng dài, cả hai khoản chi phí này càng tăng.
Lợi ích của việc học hành cũng bao gồm hai khoản:
+ Sự gia tăng dự kiến trong thu nhập tương lai. Ở đây mức chênh lệch trong thu nhập mà người ta kì vọng có được do quyết định tiếp tục đi học và nhận được bằng cấp cao hơn so với trường hợp đi làm ngay chính là lợi ích căn bản của việc đầu tư cá nhân cho vốn nhân lực;
+ Những lợi ích phi tiền tệ khác mà quá trình học tập đem lại. Đó là việc mở rộng quan hệ bạn bè, sự gia tăng tầm hiểu biết chung của cá nhân (không nhất thiết hiểu biết này phải trực tiếp sử dụng vào trong công việc lao động sau này), việc thụ hưởng, nếm trải những niềm vui riêng có của đời sống sinh viên…
Đôi khi loại lợi ích thứ hai này cũng là đáng giá đối với một cá nhân.
Ví dụ những người quyết định đi học không phải vì động cơ thu nhập tương lai (có những người già vẫn quyết định đi học đại học). Các khoản chi phí thường phải bỏ ra trước trong thời gian học tập, đào tạo của người lao động.
Còn lợi ích về gia tăng thu nhập lại chỉ thu được trong tương lai, sau khi người học đã tốt nghiệp và đi làm. Vì vậy để so sánh chi phí và lợi ích, người ta phải:
+ Thứ nhất, cố gắng ước lượng và dự kiến đầy đủ các khoản chi phí và lợi ích và qui đổi chúng theo một cách nào đó về tiền. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể so sánh được chúng với nhau.
+ Thứ hai, cần qui cả chi phí lẫn lợi ích về giá trị của chúng tại một thời điểm xác định.
Ví dụ thời điểm hiện tại chẳng hạn. Chỉ khi chúng ta đưa những khoản tiền mà chúng ta có thể nhận hoặc chi ở những thời điểm khác nhau về giá trị của chúng ở cùng một thời điểm thì chúng cũng mới có thể so sánh được với nhau.
Thông thường, trong phân tích chi phí và lợi ích, người ta thường dùng kĩ thuật chiết khấu các dòng tiền phát sinh trong tương lai về giá trị hiện tại của chúng.
(Ví dụ 1,1 triệu đồng nhận được sau thời điểm hiện tại 1 năm được coi có giá trị hiện tại là 1 triệu đồng – có giá trị tương đương với 1 triệu đồng nhận vào thời điểm hiện tại – nếu lãi suất thị trường là 10%).
Ở đây, bỏ qua chi tiết về mặt kĩ thuật tính toán, chúng ta có thể khẳng định: việc đi học là một quyết định đầu tư vốn nhân lực đúng đắn với một cá nhân nếu giá trị hiện tại của các khoản lợi ích lớn hơn (hoặc chí ít cũng phải bằng) giá trị hiện tại của các khoản chi phí.
Trong trường hợp ngược lại, quyết định đi làm ngay có ý nghĩa hơn.
Chi phí và lợi ích đối với các cá nhân khác nhau trước quyết định đi học dù tại cùng một cơ sở đào tạo có thể cũng rất khác nhau.
Một người năng lực học chỉ ở mức trung bình thường phải bỏ nhiều thời gian cho việc học hành hơn, phải hi sinh nhiều thời gian vui chơi (thể thao, văn nghệ, giải trí…), và có thể phải thi lại một số môn học trong một số năm học.
Chắc người này sẽ có chi phí học tập cao hơn, niềm vui học tập (do đó cũng là lợi ích học tập) ít hơn so với những người năng lực cao hơn…
Vì thế, đối với người này việc tiếp tục đi học ở một bậc học nào đó có thể là một quyết định đúng đắn trong khi đối với một người khác, việc phải đi làm ngay mới thực sự là quyết định chính xác và lựa chọn hiệu quả.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Vi mô, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội)